Giữ lễ hội truyền thống: Khó trăm bề

29/11/2020 14:07

Hải Dương hiện có hơn 700 lễ hội truyền thống, nhưng có lễ hội phải thu hẹp quy mô, thậm chí đứng trước nguy cơ mai một.


Thi làm cỗ hộp mới được phục dựng tại Lễ hội đền Quát

Các lễ hội truyền thống vừa có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ mạch nguồn văn hóa dân tộc, vừa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng trong xã hội hiện đại việc duy trì lễ hội đang đứng trước những thách thức không nhỏ.

Thiếu vắng nhiều hoạt động

Năm 2020, Hải Dương có 2 lễ hội truyền thống được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó là Lễ hội đền Quát ở xã Yết Kiêu (Gia Lộc) và Lễ hội đền, đình Sượt (TP Hải Dương). Đến nay toàn tỉnh đã có 9 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là thành quả từ những nỗ lực phục dựng, bảo tồn di sản của các cấp, ngành, đặc biệt là nhân dân địa phương.

Về đền Quát những ngày này, chúng tôi thấy rõ niềm vui của nhân dân thôn Hạ Bì. Trước đây, do chiến tranh và biến động xã hội, nhiều hoạt động trong Lễ hội đền Quát bị mai một. Vậy mà, chỉ từ năm 2010 trở lại đây, nhiều nghi thức đã được phục dựng và tổ chức quy mô, bài bản hơn như lễ rước bộ, thi cỗ hộp, bơi chiềng, bơi chải... Theo ông Vũ Quý Hỡi, Bí thư Đảng ủy xã Yết Kiêu thì điều may mắn là nhiều người dân địa phương có ý thức lưu giữ, truyền dạy về lễ hội nên việc phục dựng cũng dễ dàng hơn. “Với các nghi lễ cần nhiều người tham gia như lễ rước hay làm cỗ dâng thánh… khi cần huy động số lượng lớn người tham dự thì người dân đều nhiệt tình hưởng ứng. Đó là yếu tố, là cơ sở vững chắc để việc bảo tồn và phát huy lễ hội được lâu dài”, ông Hỡi nói. 

Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng có điều kiện để phục dựng, duy trì lễ hội. Đơn cử, Lễ hội miếu Lai Cầu, xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) vốn là miếu thờ nữ tướng Nguyễn Thị Dực - người có công giúp vua Lê đánh giặc Tống thế kỷ thứ X. Trước đây, lễ hội được dân làng tổ chức trọng thể từ ngày 9-16.11 âm lịch hằng năm vào dịp kỷ niệm ngày mất của bà với các hoạt động lễ rước, lễ tế độc đáo. Đáng chú ý trong hoạt động này là lễ rước quy tụ khoảng 30 - 40 nữ nhi, phải là gái đồng trinh để rước sắc phong và tượng nữ tướng trong ngày hội. Tuy nhiên, hoạt động này đến nay không được duy trì bởi đa phần nữ thanh niên đều bận làm ăn xa nên không quy tụ được đủ số lượng người tham gia. 

Còn tục đua thuyền chải vốn được coi là thương hiệu trong Lễ hội đền - chùa Cậy, xã Long Xuyên (Bình Giang) cũng phải hai mùa lễ hội mới tổ chức một lần. Đền, chùa Cậy là nơi thờ Bảo Phúc Đại vương - người có công giúp Vua Hùng đánh giặc. Dân làng Cậy tổ chức lễ hội chính hằng năm từ ngày 10 - 16.2 (âm lịch) với nhiều hoạt động lễ tế, lễ rước... độc đáo nhưng giải đua thuyền chải thì tổ chức cách năm.

Ông Hoàng Đức Hiển, Trưởng Ban Văn hóa xã cho biết: “Mỗi mùa lễ hội phải huy động khoảng 140 tay chèo ở 6 đội, xóm trong làng tham dự. Mỗi lần tổ chức chi phí trên 200 triệu đồng, đa phần từ nguồn bà con trong làng đóng góp, nếu không có nguồn xã hội hóa thì rất khó”.

Cần chung tay

Theo thống kê từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện Hải Dương có hơn 700 lễ hội truyền thống nhưng vì nhiều lý do mà có lễ hội phải thu hẹp quy mô, thậm chí đứng trước nguy cơ mai một. Nguyên nhân do thiếu kinh phí tổ chức, thiếu lực lượng tham gia lễ hội… Trong khi hiện nay, việc giữ gìn, phục dựng lễ hội ngày càng nhiều cái khó. 

Theo ông Bùi Văn Đạt, Phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì nhiều lễ hội buộc phải thu hẹp quy mô vì không có không gian tổ chức, nhất là những ngôi đình, chùa trong thành phố. Trong khi đó những người nắm giữ kiến thức, tập tục tế lễ trong lễ hội ngày càng thưa vắng, thậm chí thiếu hẳn một thế hệ kế cận… Ông Đạt cũng đề cập lo ngại trước thực trạng nhiều lễ hội được tổ chức rầm rộ theo kiểu làm lấy được nên na ná nhau, thậm chí nhiều lễ hội có yếu tố ngoại lai như sử dụng kèn Tây trong lễ hội làng… “Đôi khi lễ hội có thể được sáng tạo thêm dựa trên nền tảng của truyền thống để tạo nên dấu ấn văn hóa của thời đại mới, nhưng như thế không có nghĩa là vay mượn những điều không phù hợp, xa lạ với nếp cũ bởi đó chính là làm sai lệch lễ hội truyền thống”, ông Đạt nói. 

Khi xã hội ngày càng phát triển việc giữ lễ hội truyền thống càng trở nên cấp thiết. Kinh nghiệm ở các địa phương cho thấy để bảo tồn và phát huy giá trị của các lễ hội truyền thống, cần có sự chung tay giữa cơ quan quản lý nhà nước, nhà nghiên cứu và cộng đồng, mà cộng đồng là chủ thể giữ yếu tố then chốt. Rõ ràng việc phục dựng các nghi lễ quan trọng trong lễ hội truyền thống sẽ góp phần nâng tầm lễ hội, giúp người dân thấy được giá trị quý báu của lễ hội, đồng thời đa dạng hóa các hoạt động lễ hội với mục đích thu hút khách du lịch đến địa phương. Song song việc làm tốt công tác nghiên cứu, kiểm kê, nhận diện di sản thì việc tăng cường tuyên truyền nhằm giúp cộng đồng tự nhận thức về trách nhiệm của mình với việc bảo tồn, giữ gìn lễ hội cũng là điều quan trọng.

Thực tế cho thấy, lễ hội sẽ luôn được giữ gìn và trao truyền nếu cộng đồng hiểu rõ về lễ hội và đặc biệt có tình yêu với di sản. Đó chính là yếu tố cơ bản cần có để lễ hội truyền thống không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, vừa trở thành mạch nguồn lưu giữ giá trị văn hóa cho thế hệ mai sau. 

 HUYỀN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giữ lễ hội truyền thống: Khó trăm bề