Cám cảnh công nhân ở trọ nhiều năm

21/07/2020 12:01

Chính sách hỗ trợ nhà ở cho công nhân ở Hải Dương còn nhiều hạn chế nên với nhiều công nhân, ước mơ về căn nhà của riêng mình còn rất xa xôi.


Góc học tập chật chội của con chị Nguyễn Thị Hoa

Vì hoàn cảnh khó khăn, không ít công nhân nhiều năm liền vẫn sống tạm bợ trong những phòng trọ chật hẹp. Chính sách hỗ trợ nhà ở cho công nhân ở Hải Dương còn nhiều hạn chế nên với những công nhân này, ước mơ về căn nhà của riêng mình còn rất xa xôi.

13 năm không dám mua ti vi

Năm 2007, chị Phạm Thị Thêm đến thuê trọ tại một dãy nhà ở thôn Lê Xá, xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng). Từ đó đến nay, cuộc sống của chị luôn gắn bó với nơi này. Căn phòng chị Thêm trọ chỉ chừng 10 m2. Do xây đã lâu nên mọi thứ đều trở nên cũ kỹ. Hai vợ chồng chị cùng làm ở Công ty TNHH Điện tử LEO Việt Nam (khu công nghiệp Phúc Điền). Cách đây 4 năm, phòng trọ của chị Thêm còn có 1 chiếc ti vi cũ được chủ nhà cho. Đến nay, ti vi đã hỏng nhưng vợ chồng chị không mua ti vi mới, một phần để tiết kiệm chi tiêu, một phần cho phòng đỡ chật, thỉnh thoảng còn đón con từ quê ở Hưng Yên ra chơi. Chiếc dây mắc chằng chịt quần áo của cả nhà để phía cuối giường. Theo chị Thêm, làm như thế vừa đỡ tốn diện tích, vừa tiết kiệm tiền mua tủ.

Gần 10 năm nay, chị Nguyễn Thị Hoa quê ở huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa), công nhân Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam vẫn thuê trọ ở khu dân cư Tứ Thông, phường Tứ Minh (TP Hải Dương). Dãy nhà trọ nơi chị Hoa ở nằm sâu trong ngõ nhỏ. Ngày mới đến, chỉ có một mình nên chị thuê căn phòng chừng 8 m2. Giờ chị đã có chồng và 2 con nên cả nhà đã chuyển sang căn phòng được gọi vui là "VIP" của dãy. Căn phòng này chừng 30m2, gồm phòng khách, phòng ngủ và khu nấu ăn, vệ sinh. Vì diện tích có hạn nên khi chia ra phòng nào cũng chật so với nhu cầu sử dụng. Dịp này, chị Hoa mới sinh con. Nhà lại thêm người thân ở quê ra trông cháu nên càng bí bách. Khi được hỏi sao không mua ti vi để cả nhà xem, chị Hoa phân bua: "Phần vì vợ chồng tôi muốn tiết kiệm chi tiêu, phần vì nhà trọ chật chội, mua về cũng không biết để chỗ nào nên đành thôi".

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, tính đến hết năm 2019, Hải Dương có khoảng 27.000 công nhân, lao động (chiếm hơn 26% tổng số lao động làm việc trong các khu công nghiệp) phải thuê nhà trọ. Hầu hết những căn nhà trọ do người dân xây dựng có diện tích hẹp, ít tiện nghi sinh hoạt, vệ sinh môi trường còn hạn chế.

Bí bách tuổi thơ

Phần lớn công nhân ở trọ nhiều năm đều đã lập gia đình và sinh con. Họ phải dành phần lớn thu nhập để trang trải cuộc sống hằng ngày. Bởi vậy, với họ mong ước có chốn an cư nơi xứ người  không dễ thành hiện thực. Không đủ tiền để thuê nhà trọ rộng nên lần lượt 3 đứa con của vợ chồng chị Thêm ra đời vẫn phải ở trong căn nhà chật hẹp ấy. Thời kỳ con còn bú, chị Thêm đều để các con ở cùng phòng trọ. Khi đi làm, chị gửi con ở một điểm trông trẻ tư nhân. Theo chị Thêm, chỉ riêng khoản tiền gửi con cũng mất khoảng 1/3 thu nhập của chị. Tiền lương của vợ chồng chị ngoài nuôi con cũng chẳng dành dụm được bao nhiêu. Gần đây, con lớn của chị mắc bạo bệnh, vợ chồng thay nhau nghỉ làm để đưa con đi chữa bệnh, hoàn cảnh kinh tế ngày càng khó khăn hơn.

Mấy năm nay, gia đình chị Nguyễn Thị Nguyên, công nhân Công ty TNHH May Trấn An cũng gặp nhiều khó khăn khi các con lần lượt ra đời. Vợ chồng chị cùng quê ở huyện Ninh Giang. Chồng chị làm công nhân ở TPHải Dương. Hơn 10 năm nay, cuộc sống của gia đình chị chật vật trôi qua trong  căn phòng trọ chừng 10 m2 tại phường Bình Hàn. Tuổi thơ của cả 3 đứa con đều gắn bó với nơi này. Sau khi sinh con, chị Nguyên cũng phải gửi các con ở điểm trông trẻ tư nhân. Khi các con đủ tuổi học tiểu học, chị gửi con về quê nhờ ông bà trông giúp. Cứ thế, chi phí nuôi con khá tốn kém so với mức thu nhập của 2 vợ chồng.

Kết quả giám sát chuyên đề về các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống công nhân trong các khu, cụm công nghiệp của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh mới đây cho thấy thực trạng buồn về chính sách hỗ trợ nhà ở cho công nhân. Trong số 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động chỉ 5 nơi có quy hoạch khu dân cư và dịch vụ phục vụ công nhân. Trong số này, duy nhất 1 dãy nhà với tổng số 82 căn hộ do nhà đầu tư xây dựng ở phường Ái Quốc (TP Hải Dương) có công nhân đến ở với tỷ lệ lấp đầy khoảng 70%. Dãy nhà 5 tầng ở khu công nghiệp Đại An được cho là không phù hợp nên công nhân không vào ở. 

THANH NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cám cảnh công nhân ở trọ nhiều năm