Làm gì để đón dòng FDI chuyển dịch?

02/06/2020 07:02

Hải Dương đã và đang tích cực đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư, chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng để đón làn sóng đầu tư FDI sau đại dịch Covid-19.


Hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp là điểm cộng của Hải Dương trong mắt các nhà đầu tư 

Các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia đang đẩy nhanh quá trình tìm địa điểm đầu tư trong bối cảnh hậu Covid-19. Đây là cơ hội vàng trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới đối với Việt Nam nói chung và Hải Dương nói riêng.

Xu hướng chuyển dịch đầu tư toàn cầu

Nếu cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung được nhận định là chất xúc tác thúc đẩy xu hướng các doanh nghiệp rời bỏ Trung Quốc tìm nơi đầu tư mới thì đại dịch Covid-19 đã khiến quá trình này diễn ra nhanh hơn, tạo nên bước ngoặt trong chuyển dịch đầu tư toàn cầu.

Một loạt các nỗ lực đã và đang triển khai từ nhiều quốc gia nhằm định hướng lại dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp, tập đoàn. Điều này càng rõ ràng hơn khi Nhật Bản công bố chương trình hỗ trợ trên 2 tỷ USD khuyến khích các doanh nghiệp nước này chuyển ra khỏi Trung Quốc, quay về Nhật Bản hoặc các quốc gia Đông Nam Á. Ấn Độ cũng đã dành ra quỹ đất gần 500.000 ha để đón hàng nghìn doanh nghiệp đang rời khỏi Trung Quốc.

Xu hướng chuyển dịch của những nhà đầu tư lớn mang đến cơ hội cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Hải Dương đang trong cuộc chạy đua với nhiều tỉnh, thành phố để đón đầu cơ hội này. Ông Lê Xuân Hiền, Trưởng Phòng Đấu thầu, thẩm định và giám sát đầu tư (Sở Kế hoạch đầu tư) nhận định, so với nhiều tỉnh, thành phố lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên… Hải Dương có nhiều lợi thế. "Một trong những yếu tố căn bản để thu hút nhà đầu tư là hạ tầng. Hải Dương là một trong những tỉnh có nhiều khu, cụm công nghiệp", ông Hiền nói.

Hải Dương được Chính phủ phê duyệt danh mục quy hoạch phát triển 18 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích trên 3.500 ha. Đến nay, 10 KCN đã được thành lập, đi vào hoạt động với tổng diện tích 1.017 ha, tỷ lệ lấp đầy hơn 81%. Ngoài ra, 38 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động với tổng diện tích trên 1.150 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy hơn 70%. Hạ tầng giao thông của Hải Dương cũng ngày càng hoàn thiện. Đáng chú ý Hải Dương có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đây cũng là những điểm cộng giúp Hải Dương có được lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, sau một số năm giảm thứ hạng thì năm 2019, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hải Dương đã tăng 8 bậc so với năm trước đó, vươn lên xếp thứ 47 trong cả nước. 6/10 chỉ số thành phần tăng điểm là gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, minh bạch, tính năng động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động. Trong đó, chỉ số đào tạo lao động có mức tăng cao nhất (tăng 0,87 điểm), tiếp đó là chỉ số gia nhập thị trường (tăng 0,75 điểm) và tiếp cận đất đai (tăng 0,73 điểm). Đây là kết quả từ nỗ lực nâng cao chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, cũng là cơ sở vững chắc giúp Hải Dương ghi điểm trong mắt nhà đầu tư.


Những dự án công nghệ cao và thân thiện với môi trường sẽ được tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư trong thời gian tới

Đón đầu dòng FDI

Theo nhiều chuyên gia, các chủ doanh nghiệp FDI sẽ tập trung đầu tư vào một số lĩnh vực như công nghệ thông tin, công nghệ cao và thiết bị điện, điện tử. Các dự án có hàm lượng công nghệ cao sẽ được các địa phương ưu tiên lựa chọn. Đây cũng là cơ hội giúp Hải Dương phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về triển vọng và các giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài hậu đại dịch Covid-19 vào khoảng cuối tháng 5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định thành lập tổ công tác đặc biệt để đón được làn sóng đầu tư mới. Đây cũng là gợi ý đầu tiên để Hải Dương tham khảo trong thu hút đầu tư. Tỉnh ta có thể thành lập từng tổ công tác tương tự nhưng ở quy mô địa phương hoặc có thể lập tổ công tác chuyên biệt cho từng dự án nếu cần thiết.

Ngoài những biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh, để chiếm lợi thế đón dòng vốn FDI mới, Hải Dương cần chủ động và sẵn sàng về hạ tầng công nghiệp. Theo ông Nguyễn Danh Tú, Trưởng Phòng Kinh tế đối ngoại (Sở Kế hoạch và Đầu tư), tỉnh ta cần đôn đốc những nhà đầu tư đã được giao hoàn thiện xây dựng cơ sở hạ tầng KCN. Nghiên cứu quy hoạch thêm một số KCN, CCN tại những vị trí thuận lợi mới về giao thông. Tìm kiếm nhà đầu tư cơ sở hạ tầng có năng lực để triển khai đồng bộ quy hoạch hạ tầng công nghiệp.

Để trở thành điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư, Hải Dương nên đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư. Xác định rõ ràng, chi tiết những thông tin như hạ tầng, chi phí thuê hạ tầng, thời gian hoàn thiện các thủ tục hành chính… Đây được cho là thông tin cốt lõi nhà đầu tư muốn trao đổi khi tìm hiểu để triển khai dự án tại các địa phương bên cạnh những thông tin về vị trí địa lý hay quy mô dân số.

Là một doanh nghiệp FDI trên địa bàn, ông Kim Taewon, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Suntel Vina (KCN Đại An mở rộng, TP Hải Dương) nhận định, để thu hút hiệu quả làn sóng đầu tư mới, Hải Dương cần có thêm nhiều ưu đãi về thuế, dịch vụ tài chính, nghiên cứu xây dựng thêm các trường đào tạo nghề cũng như khu tiện ích dành cho người nước ngoài. "Hầu hết người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp FDI ở Hải Dương đều đang sinh sống ở Hà Nội. Hải Dương cần có những khu phức hợp với nhiều tiện ích dành cho người nước ngoài và một trường học quốc tế", ông Kim nói.

HÀ KIÊN


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm gì để đón dòng FDI chuyển dịch?