[Video] Nghệ nhân "giữ lửa" nghề truyền thống

28/12/2021 11:02

Một số nghề truyền thống được lưu giữ và phát triển đến nay nhờ công sức không nhỏ của những nghệ nhân. Họ đã dùng tài hoa, niềm đam mê để giữ nghề và đau đáu tìm lớp kế cận để nghề của ông cha không bị mai một, thất truyền.

Sau nhiều lần thất bại, anh Hùng đã thành công trong việc phục chế sản phẩm gốm cổ truyền

Đam mê với nghề cha ông

Cơ sở thêu tay cao cấp Hòa Nhượng ở thôn Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) vừa có 2 người được UBND tỉnh phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nghề tiểu thủ công nghiệp là bà Phạm Thị Nhạn (62 tuổi) và chị Nguyễn Thị Hiên (44 tuổi).

51 năm gắn bó với nghề thêu, bà Nhạn luôn tâm niệm công việc của mình là làm đẹp cho đời. Thêu tay đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì. Người thợ không chỉ cần đam mê mà còn phải có năng khiếu hội họa. Để có những sản phẩm phù hợp, bắt kịp thị hiếu của khách hàng, người thêu thường nghiên cứu các mẫu mã, phong cách mới để sáng tạo trong quá trình làm nghề. Hiện nay, sản phẩm chủ lực của cơ sở Hòa Nhượng là tranh thêu, ngoài ra còn có khăn thêu, áo dài thêu họa tiết... Dù làm bất cứ sản phẩm nào, những người thợ cũng phải tỉ mỉ, cẩn thận chăm chút cho từng đường kim, mũi chỉ, nâng niu đứa con tinh thần của mình. Với mỗi thể loại người thêu phải có cách tư duy khác nhau, nếu về chủ đề phong cảnh, thiên nhiên, phải tạo cho bức tranh sự sống động, còn với tranh thêu chân dung thì phải làm toát lên thần thái của nhân vật, diễn tả sao cho chân thực nhất từ ánh mắt đến nụ cười.

Được cha truyền cho niềm đam mê, tình yêu với gốm nên từ nhỏ, anh Vũ Xuân Hùng (39 tuổi) ở thôn Cậy, xã Long Xuyên (Bình Giang) đã nuôi dưỡng ước mơ sau này sẽ kế thừa nghề truyền thống của ông cha. Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội, anh Hùng trở về quê hương cùng gia đình khôi phục nghề cổ truyền. Cũng giống như thêu tay, nghề gốm đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ và sáng tạo nên cần người thực sự tâm huyết, đam mê mới có thể theo và làm nghề. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, anh Hùng đã tìm tòi, cải tiến kỹ thuật, đa dạng hóa sản phẩm. Song song với quá trình sản xuất các sản phẩm gốm thông thường, anh Hùng còn phục chế gốm sứ cổ truyền. 

Làm ra một sản phẩm gốm đã khó, việc phục chế những dòng gốm cổ lại càng khó hơn. Anh Hùng phải đến một số bảo tàng để nghiên cứu về sản phẩm, nhất là đồ gốm ở các thời đại Lý, Trần, Lê. Với phương châm "nhất liệu, nhì men", việc phục chế gốm cổ truyền được thực hiện tỉ mỉ từ khâu chọn nguyên liệu cho đến quá trình tạo men, tạo hình khối, nung... Anh Hùng cho rằng men gốm Cậy mới là thứ tạo nên sự khác biệt của dòng gốm này. Men gốm được làm từ sét cao lanh, tro trấu, vôi, tro củi lọc kỹ, trộn đều với nhau. Sau nhiều lần thất bại nhưng không nản chí, anh Hùng cũng đã thành công. Những sản phẩm như thạp Lý hoa nâu, chân đèn, gốm thời nhà Mạc... được khách hàng ưa chuộng.

Khi được công nhận là Nghệ nhân nghề tiểu thủ công nghiệp, anh Hùng cảm thấy có thêm động lực để tiếp tục gắn bó, theo đuổi nghề gốm. Trong thời gian tới anh sẽ tập trung phục chế các sản phẩm gốm của gia tộc thời Trần, Lê, Mạc...  


Bà Nhạn mong muốn truyền nghề thêu tay của cha ông cho thế hệ con cháu

Đau đáu giữ nghề

Khi được UBND tỉnh phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nghề tiểu thủ công nghiệp, bà Nhạn cảm thấy phấn khởi xen lẫn tự hào. Bà tự nhủ sẽ phải cố gắng hơn nữa để xứng đáng với danh hiệu được phong tặng, tiếp tục nâng cao tay nghề, dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu các chủ đề, xu hướng mới có thể thêu tay để cho ra các sản phẩm có tính sáng tạo. Theo bà, đa số những người gắn bó với nghề thêu hiện nay là phụ nữ ở độ tuổi trung niên bởi người trẻ có nhiều lựa chọn về nghề nghiệp nên việc tìm người kế cận để "tiếp lửa" nghề không phải điều đơn giản.

Là một trong số 8 nghệ nhân mới được phong tặng, chị Hiên cũng cảm thấy rất phấn khởi vì sự cố gắng của mình đã được ghi nhận. Được truyền nghề từ mẹ cũng là một nghệ nhân thêu, đến nay, chị Hiên đã truyền tình yêu, niềm đam mê ấy tới con gái với ước muốn dù có lựa chọn nghề nghiệp khác thì con vẫn biết và nhớ đến nghề ông cha.

Còn với anh Hùng, vì say mê gốm nên anh rất mong có thể truyền nghề cho lớp trẻ. Những lúc dịch Covid-19 tạm lắng, anh thường tạo điều kiện để một số trường học tổ chức cho học sinh đến tham quan xưởng sản xuất gốm của gia đình. Nhìn những bàn tay bé xíu tập tành nặn đất, những ánh mắt rạng rỡ của trẻ khi thấy những sản phẩm gốm, nhất là hình thù các con vật ngộ nghĩnh đã thôi thúc anh phải tìm cách để sau này nghề gốm của làng Cậy không bị mai một, thất truyền.

Đến nay, toàn tỉnh có 55 người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nghề tiểu thủ công nghiệp. Việc phong tặng danh hiệu này nhằm tôn vinh những người thợ giỏi đã sáng tạo, chế tạo hoặc phục chế những sản phẩm tinh xảo, có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật cao, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu... Việc tôn vinh cũng là một giải pháp "tiếp lửa" cho những người đang giữ nghề để có thêm động lực phát huy và truyền nghề cổ truyền cho lớp lớp thế hệ sau.

KIÊN TRANG 

Xem clip

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    [Video] Nghệ nhân "giữ lửa" nghề truyền thống