Những lớp người khai mở vùng đất Hải Dương

11/04/2022 05:46

Thời tiền sử, vùng đất Hải Dương đã được con người sớm chọn làm nơi sinh sống.


Núi Nhẫm Dương ở phường Duy Tân (Kinh Môn) là một trong những nơi đầu tiên ở Hải Dương có người tiền sử sinh sống

Cùng với những vùng miền khác của cả nước, con người xứ Đông sớm gia nhập cộng đồng chung, góp phần làm nên lịch sử dân tộc ngay từ những buổi đầu dựng nước.  

Diện mạo Hải Dương thời tiền sử 

Hải Dương nằm ở phía đông đồng bằng Bắc Bộ, được bồi đắp bởi phù sa của sông Hồng và sông Thái Bình. Đặc điểm nổi bật của Hải Dương là môi trường sông nước, vừa mang đặc điểm điển hình của đồng bằng Bắc Bộ lại vừa có đặc điểm riêng. Do quá trình hình thành, kiến tạo về mặt địa chất lâu dài và phức tạp, dấu vết hoạt động của biển để lại những ngấn nước trên vách núi đá vôi còn được bảo tồn khá tốt trong môi trường hang động karst tại động Thánh Hóa trong núi Nhẫm Dương ở phường Duy Tân và động Kính Chủ, phường Phạm Thái (cùng ở thị xã Kinh Môn).

Ở động Thánh Hóa, phía sau chùa Nhẫm Dương còn thấy trần hang khá bằng phẳng- dấu tích bào mòn trần hang do sóng biển trong điều kiện hang hàm ếch thời xa xưa, khi nơi đây còn ngập chìm trong sóng biển thời kỳ Pleistocene muộn (khoảng 125.000-10.000 năm cách ngày nay). Dưới mức trần hang còn thấy rõ ba ngấn biển cổ được lưu dấu ấn khá rõ. Điều đó chứng tỏ mực nước biển dừng lại lâu, không chỉ một lần. Hiện tượng này còn thấy ở động Kính Chủ, động Mẫu, động Ngũ Thủy (đều ở Kinh Môn). Những ngấn biển trên vách các hang động ở Kinh Môn cho biết khoảng 100.000 năm trước, cảnh quan biển đảo với những hòn đảo đá vôi nhấp nhô trên sóng biển, cùng với những đàn cá bơi giỡn sóng lúc triều lên... chẳng khác gì so với các đảo trong vịnh Hạ Long ngày nay. Cùng với những ngấn biển, trong trầm tích các hang động, hay lòng đất khu vực chân núi đá vôi, khảo cổ học đã phát hiện được lớp vỏ nhuyễn thể sống trong môi trường nước mặn, nước lợ như hàu, ngao, ốc... 

Đặc điểm địa hình của Hải Dương là kết quả quá trình bồi đắp phù sa của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình, qua các đợt biển tiến, biển thoái trong kỷ Đệ tứ và nhất là trong quá trình khai phá, chinh phục vùng đất mới của các lớp cư dân từ xưa đến nay. Theo dõi sự thay đổi của đường bờ biển miền Bắc qua các đợt biển tiến từ đầu kỷ Đệ tứ đến 7.000-4.000 năm cách ngày nay, mực nước biển cao hơn bây giờ 4 m. Đặc biệt đến thời kỳ Holocene muộn, khoảng 4.000-2.000 năm cách ngày nay, biển lại rút dần và để lại đường bờ biển như hiện nay. Cách đây 2.700 năm, đường bờ biển nằm ở Mỹ Đức, Thường Tín, Hải Dương, Đông Triều, con người cũng tiến dần từ vùng đồng bằng cao xuống vùng đồng bằng thấp, từ các thềm phù sa cổ xuống đến các bãi phù sa sông biển mới.


Các công cụ lao động bằng đá (rìu, chày nghiền, bàn mài) của người tiền sử trên đất Hải Dương được phát hiện qua khảo cổ học

Diện mạo Hải Dương ngày nay là kết quả quá trình chinh phục, khai phá tự nhiên, lao động sáng tạo không biết mệt mỏi của biết bao thế hệ cư dân Việt cổ. Do đặc điểm kiến tạo của địa chất nằm chung trong không gian của vịnh biển nông được bồi tụ do lượng phù sa bồi đắp của các dòng chảy chính cùng các chi lưu khác nhau của nó, nên Hải Dương không đồng nhất về địa hình, là vùng đất trũng thấp so với mực nước biển, độ dốc từ tây bắc xuống đông nam khoảng 10 m, phía đông địa hình đồi núi xen kẽ, đã tạo nên sự đa dạng về địa hình, khí hậu và hệ động, thực vật. Những đặc điểm về môi trường sinh thái quy định các sinh hoạt văn hóa của con người Hải Dương vừa có nét riêng, vừa nằm trong không gian chung của cư dân Việt cổ vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Dấu vết hoạt động của biển ngoài việc tạo ra những ngấn biển trong vách các hang động đá vôi, những cồn cát thấp dần dễ dàng nhận thấy trên bề mặt, còn thể hiện ở những dấu tích vật chất từ biển. Những phát hiện khảo cổ về xương cá voi ở huyện Gia Lộc, huyện Tứ Kỳ, xương cá heo ở huyện Bình Giang, cùng dấu tích bãi vỏ sò ở Mao Điền, làng Mậu Tài, xã Cẩm Điền (Cẩm Giàng), ở Đông Bình, xã Vạn Phúc (Ninh Giang) là bằng chứng về tác động của biển đến sự hình thành vùng đất Hải Dương. Những phát hiện trên là bằng chứng về môi trường biển vào thời khởi thủy trên vùng đất Hải Dương.

Ở giai đoạn muộn hơn, khi cư dân văn hóa Đông Sơn mở rộng địa bàn cư trú bằng cách khai phá và chiếm lĩnh những vùng thấp trũng của châu thổ Bắc Bộ, trong đó có Hải Dương, khảo cổ học đã phát hiện được những dấu tích của vịnh biển với tầng sét xanh nằm phía dưới lớp đất có dấu vết cư trú và mộ thuyền tại thôn Lương Xá, xã Kim Lương (nay là xã Kim Liên, huyện Kim Thành), đã giúp khôi phục được cảnh quan nơi này, vào thời kỳ biển rút, người xưa đã khai phá, lập làng, lập ấp và có khu mộ chôn cất tại một vùng còn trũng thấp, lầy lội.

Về quy mô, thời gian và số lần biển tiến, biển thoái ở nước ta, theo nhà nghiên cứu địa chất Hoàng Ngọc Kỷ, ở Việt Nam có bốn giai đoạn biển thoái và bốn giai đoạn biển tiến, hình thành 8 tầng trầm tích có nguồn gốc lục địa và biển nằm xen kẽ chuyển tiếp hay gián đoạn với nhau. Trong đó, biển tiến Vĩnh Phúc là giai đoạn biển tiến lớn nhất vào lãnh thổ Việt Nam và có liên quan đến quá trình hình thành vùng đất Hải Dương hiện nay. Theo các nhà nghiên cứu, các tài liệu của giai đoạn biển tiến này có thể xây dựng thang chuẩn cho biển tiến khu vực vào thời kỳ tan băng cuối cùng Pleistocene. Trước nay, người ta cho rằng biển tiến thời kỳ tan băng cuối cùng trên thế giới có niên đại hơn 100.000-130.000 năm. Nhưng biển tiến có đỉnh mực nước biển cực đại ở Trung Quốc và Bắc Mỹ trùng khớp với biển tiến Vĩnh Phúc ở Việt Nam, có hóa thạch biển foraminifera và tuổi tuyệt đối được xác định là 35.000 năm cách ngày nay. Đối với khảo cổ học Việt Nam, đây là thời gian nảy sinh và phát triển của các di tích hậu kỳ thời đại đồ đá cũ... Đây cũng là niên đại của hóa thạch người và động vật ở Nhẫm Dương (Hải Dương).

Về quần thể động vật, năm 2000 và năm 2017, tại động Thánh Hóa đã phát hiện 471 mẫu hóa thạch động vật có niên đại khoảng 50.000-30.000 năm cách ngày nay. Kết quả giám định cho biết gồm các nhóm, loài: nhóm thú guốc chẵn chiếm tỷ lệ nhiều nhất (17,83%), gồm họ hươu Cervidae, họ lợn Suidae, họ trâu bò Bovidae; nhóm thú gặm nhấm (chuột, nhím); nhóm thú móng guốc ngón lẻ (tê giác, lợn vòi); nhóm thú ăn thịt (hổ, báo, gấu ngựa, gấu chó...); bộ có vòi (voi châu Á); bộ linh trưởng (khỉ, đười ươi). Số răng đười ươi lên tới 53 mảnh, chiếm 11,25%, là tỷ lệ cao nhất so với các di tích cổ sinh ở Việt Nam. Hóa thạch động vật đáng chú ý nhất là 23 răng pongo (đười ươi). Đây là loài động vật giống như con người, rất thông minh, có thể coi là một trong những loài thông minh nhất trong các loài động vật. Con đực có thể đi bằng hai chân. Đười ươi có thể quan sát thiên nhiên để biết mùa nào thức nấy, để di chuyển đến nơi có sẵn thức ăn. Đười ươi ăn, nghỉ, ngủ trên cây cổ thụ, lấy những cành cây có lá rộng kết thành tổ để ngủ và trú ẩn dưới những trận mưa rào nhiệt đới. Chúng ăn hoa quả, côn trùng, đọt lá non và nước uống lấy từ những bọng cây... Ngày nay, hóa thạch đười ươi mới được tìm thấy trong các hang động ở Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Việt Nam. Các hang động tìm thấy hóa thạch đười ươi ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ Việt Nam thường nằm sâu trong lục địa. Còn hóa thạch đười ươi ở động Thánh Hóa nằm trên hòn đảo ở sát biển. 

Những phát hiện về quần thể động vật và nghiên cứu môi trường sống của chúng cho thấy, vùng Kinh Môn cách đây 50.000-30.000 năm, không chỉ là đất trũng ngập nước mà còn có những khu đất cao với những cánh rừng nhiệt đới hệ thực vật nhiều tầng, nhiều lớp, những cây cổ thụ to lớn cùng với những núi đá có các hang động lớn thích hợp để động vật sinh sống. Đó là sự khác biệt, trở thành đặc điểm độc đáo và quý hiếm của những hóa thạch động vật, đặc biệt là đười ươi và tê giác được tìm thấy trong động Thánh Hóa.


Các nhà khoa học từng phát hiện trong động Kính Chủ ở phường Phạm Thái (Kinh Môn) có công cụ lao động của người tiền sử. Đây cũng là nơi được người tiền sử chọn cư trú từ sớm trên đất Hải Dương

Những bằng chứng khảo cổ

Vào khoảng 4.500-4.000 năm cách ngày nay, với sự biến đổi của mực nước biển, biển rút dần sau lần dâng cao của đợt biển tiến Flandrian, đất Hải Dương, trong đó có vùng Kinh Môn, được bồi đắp bởi phù sa các sông Kinh Thầy, Kinh Môn, Đá Vách... tạo ra những vùng đất đai màu mỡ có thể trồng lúa, đã kéo cư dân các vùng đến khai phá, chinh phục và lập làng. Những phát hiện của khảo cổ học về di cốt người và hoạt động sản xuất của họ là bằng chứng thuyết phục nhất.

Di cốt người sớm nhất ở Hải Dương được phát hiện tại động Thánh Hóa. Tại đây, có cả di cốt người và động vật, nhưng không nằm cùng một địa tầng, trong đó di cốt động vật đã hóa thạch và di cốt người chưa hóa thạch. Từ 87 mảnh sọ, các nhà khoa học đã phục nguyên được một hộp sọ. Sọ còn 1/3 xương trán nối với 2/3 xương mặt. Hốc mũi hầu như còn nguyên vẹn, thiếu ổ mắt phải. Hàm trên còn 4 răng cối lớn số 1 và số 2 ở cả hai bên trái và phải. Một mảnh xương hàm trái bên phải khá lớn, không gắn với hộp sọ vì thiếu các mảnh trung gian. Theo các nhà nghiên cứu, có khả năng đây là di cốt của người phụ nữ khoảng 25 tuổi. Về niên đại, các di cốt người này thuộc giai đoạn Toàn tân, muộn hơn so với phần lớn các xương răng động vật hóa thạch.

Di cốt người muộn hơn phát hiện tại ngôi mộ phủ nhũ đá ở Hang Dê (phường Minh Tân, Kinh Môn), cách động Thánh Hóa khoảng 7 km. Di cốt không còn nguyên vẹn, gồm một số mảnh sọ, 2 đoạn hàm, một số đoạn xương đùi, chày, mác, cánh tay, đốt bàn và đốt ngón tay. Kết quả nghiên cứu đã xác định được hai cá thể, người đàn ông khoảng 30-40 tuổi và người phụ nữ khoảng 25-30 tuổi. Về niên đại, dựa vào 2 nồi gốm tùy táng, có thể định niên đại mộ Hang Dê thuộc sơ kỳ thời đại kim khí, khoảng 3.500-3.000 năm cách ngày nay.

Phát hiện ở di chỉ Nhẫm Dương là những bằng chứng khẳng định vùng đất Hải Dương đã được con người sớm chọn làm nơi sinh sống. Cùng với những vùng, miền khác của cả nước, con người vùng đất xứ Đông-Hải Dương sớm có mặt, gia nhập vào cộng đồng chung, làm nên lịch sử dân tộc ngay từ những buổi đầu dựng nước.

Ở Nhẫm Dương, Hang Dê, động Tĩnh Niệm, động Kính Chủ và ở hang Đá Trắng (huyện Cát Bà, TP Hải Phòng), chưa phát hiện được công cụ lao động của người cổ nơi đây. Nhưng ở giai đoạn muộn hơn, vào hậu kỳ thời đại đồ đá mới-sơ kỳ thời đại kim khí, cách ngày nay khoảng 4.500-4.000 năm, cùng với xương răng người bán hóa thạch hoặc chưa hóa thạch phát hiện được trong các động Thánh Hóa, Hang Dê, chúng ta đã tìm được những bằng chứng về hoạt động kinh tế sản xuất của cư dân thời tiền sử ở Hải Dương. Đó là những chiếc mai hay xẻng đá có kích thước lớn tìm được ở khu dân cư Hàm Ếch, phường Cộng Hòa (Chí Linh); những phác vật rìu tứ giác ở động Kính Chủ; những chiếc rìu đá tứ giác làm từ đá bán quý, được mài nhẵn toàn thân, nhưng chưa hết vết ghè; những chiếc chày nghiền phát hiện ở Nhẫm Dương, Kính Chủ; chiếc bàn mài nhiều rãnh ở Thung Thóc (phường Duy Tân, Kinh Môn)...

Thuộc đất xứ Đông xưa, trên đảo Cát Bà (thuộc TP Hải Phòng hiện nay), từ trên 5.000 năm trước, đã có cư dân hậu kỳ đồ đá mới đến định cư lâu dài và liên tục cho đến sơ kỳ thời đại kim khí, tương đương với cư dân văn hóa Hạ Long ở ven biển Quảng Ninh và cư dân Hang Dê, Kính Chủ và xung quanh động Thánh Hóa ở Hải Dương. Bức tranh thời tiền sử xứ Đông-Hải Dương đã được phác thảo với những đường nét cơ bản bằng những phát hiện ở Nhẫm Dương và hang Đá Trắng (đảo Cát Bà) thuộc hậu kỳ Pleistocene. Nét mờ khuất của bức tranh là giai đoạn sơ kỳ đá mới cần tiếp tục được đầu tư khảo sát, nghiên cứu trong tương lai. 

Đời sống người tiền sử 

Những phát hiện về quần thể động, thực vật và con người thời tiền sử ở Hải Dương chưa nhiều, hơn nữa cũng chưa có mẫu khảo cổ học nào được phân tích bào tử phấn hoa, nên việc nghiên cứu để có hiểu biết nhất định về môi trường sống thời tiền sử thông qua thành phần động, thực vật còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những phát hiện về xương cá voi, cá heo ở các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, Bình Giang và bãi vỏ sò ở Mao Điền, Đông Bình, đặc biệt là lớp nhuyễn thể dày trong địa tầng hang động Thánh Hóa, Hang Dê cùng với quần thể động, thực vật đa dạng ở đảo Cát Bà (Hải Phòng) đã cho thấy môi trường cổ ở xứ Đông-Hải Dương khá thuận lợi cho quá trình lựa chọn nơi cư trú cũng như hoạt động kiếm sống và những khám phá, hiểu biết về quy luật tự nhiên của cư dân tiền sử nơi đây.

Địa bàn cư trú, môi trường sống của người tiền sử ở Hải Dương còn chịu tác động của mực nước biển. Nghiên cứu vấn đề này sẽ giúp chúng ta hiểu được nguyên nhân của sự xuất hiện các bãi nhuyễn thể, những xương răng các loại cá có niên đại 50.000-30.000 năm cách ngày nay ở Hải Dương và hiện tượng cư dân Nhẫm Dương, Đá Trắng (hậu kỳ Pleistocene) và cư dân Hang Dê, động Kính Chủ, Hang Giữa, Hẹn Kiều, Áng Mả, mái đá Chuồng Bò (hậu kỳ đồ đá mới) chọn các hang động cao hơn mặt thung lũng hiện nay khoảng 4-5 m để cư trú. Theo quy luật, biển tiến, nước dâng cao, diện tích lục địa thu hẹp, con người phải tìm nơi cư trú thích hợp, nhưng động vật và thực vật bị chôn vùi dưới tầng sét biển, nhiệt độ tăng lên, môi trường sống của con người thay đổi. Biển lùi, nước biển hạ xuống, đường bờ biển mở rộng, diện tích đồng bằng cũng mở rộng ra, con người vươn ra khai thác đồng bằng ven biển, nhiệt độ giảm xuống, các loài động, thực vật mới xuất hiện. Những phát hiện di chỉ cư trú ngoài trời ở khu vực quanh động Thánh Hóa, Thung Thóc (Kinh Môn), Hàm Ếch (Chí Linh) hay ở Bãi Cát Đồng, Bãi Tùng Gôi, Làng Cũ, Bến Bèo, Bãi Bến, Ao Cối (đảo Cát Bà), cùng với nhiều di tích thuộc văn hóa hậu kỳ đồ đá mới-sơ kỳ kim khí ven biển Đông Bắc nước ta là những minh chứng thuyết phục. Do đó có thể nói, biển tiến, biển thoái còn tác động đến mật độ dân số và sự tương thích giữa con người và môi trường.

Theo quy luật phát triển của lịch sử nói chung, của kinh tế-xã hội nói riêng, kinh tế nguyên thủy phát triển qua hai giai đoạn hay hai mức độ cao, thấp khác nhau: kinh tế chiếm đoạt sản phẩm có sẵn trong tự nhiên hay hoạt động săn bắt-hái lượm và kinh tế sản xuất hay hoạt động trồng trọt và chăn nuôi. Nghiên cứu các địa điểm hậu kỳ đồ đá cũ ở Hải Dương, chưa phát hiện được bằng chứng trực tiếp về sự hiện diện của trồng trọt và chăn nuôi. Ngay cả các giai đoạn sau hậu kỳ đồ đá cũ, từ giai đoạn sơ kỳ đồ đá mới ở lớp dưới Cái Bèo và các di tích trong hang động và ngoài trời ở vùng bán sơn địa của Hải Dương như Kinh Môn hay trên đảo Cát Bà thuộc giai đoạn văn hóa Cái Bèo và văn hóa Hạ Long, cũng chưa tìm được chứng cứ của hoạt động sản xuất. Do đó, hoạt động kinh tế trong các di tích hậu kỳ đá cũ và sơ kỳ đá mới ở Hải Dương vẫn độc tôn là săn bắt và hái lượm.

Địa hình phường Duy Tân và phường Phạm Thái thuộc khu vực bán sơn địa của thị xã Kinh Môn. Cảnh quan khu vực này với núi đá vôi xen kẽ núi đất trùng điệp, cao trên 100 m, trên sườn núi có nhiều hang động, mái đá, ở dưới là thung lũng khá bằng phẳng với nhiều sông ngòi chằng chịt. Cách ngày nay không xa, đây là một vùng nước lợ, còn chịu ảnh hưởng sâu sắc của thủy triều. Động vật rất phong phú, chim thú nhiều. Khu vực đá vôi Kinh Môn là nơi đã tìm thấy nhiều di vật đá mới và đồ đồng. Môi trường này là điều kiện lý tưởng để người cổ Nhẫm Dương, Hang Dê, động Kính Chủ và Đá Trắng cư trú trong hang động và triển khai săn bắt, hái lượm ở thung lũng trước cửa hang và trong các thung lũng đá vôi. 

Thành phần động vật phát hiện ở Nhẫm Dương cho thấy, cư dân ở đây đã săn bắt được nhiều loài động vật khác nhau, trong đó chủ yếu là động vật có xương sống, động vật có vú nhỏ, bên cạnh đó cũng có loài bò sát, các loài chim, cá và côn trùng. Bên cạnh những động vật do săn bắt mang lại, cũng có không ít loài động vật do thu lượm mà có. Những bãi vỏ sò ở Mao Điền, hay ở Đông Bình hẳn là dấu vết thải loại sau khi ăn của cư dân cổ nơi đây. Sống trong môi trường nhiệt đới, với thế giới thực vật phong phú, trong khi kinh tế săn bắt-hái lượm đóng vai trò độc tôn, chắc hẳn người tiền sử ở Hải Dương cũng khai thác nhiều loại cây có bột, cho củ, cho quả, cho hạt để bổ sung vào nguồn thực phẩm của mình. Với sự vắng mặt của vết tích động, thực vật thuần dưỡng, có thể khẳng định rằng, cư dân tiền sử ở Hải Dương lấy săn bắt-hái lượm làm hoạt động kinh tế độc tôn.

Trước khi xuất hiện cộng đồng xã hội-tộc người, trong lịch sử có một hình thức sơ khai liên kết con người lại với nhau, đó là thời kỳ bầy người nguyên thủy. Giai đoạn sơ khởi của bầy người nguyên thủy tương ứng với sơ kỳ thời đại đồ đá cũ. Ở xứ Đông-Hải Dương mới phát hiện được di tích hóa thạch người hiện đại (homo sapiens) tương tự như ở Làng Tráng (Thanh Hóa), Hang Hùm (Yên Bái), Thẩm Ồm (Nghệ An), Kéo Lèng (Lạng Sơn), Thung Lang (Ninh Bình), những di tích có niên đại từ 80.000-40.000 năm cách ngày nay. Sau đó đến các di tích đã chớm hoặc hóa thạch đã phát hiện được ở Nhẫm Dương, Hang Dê, một số hang động trên đảo Cát Bà (thuộc Hải Phòng ngày nay) và các văn hóa, kỹ nghệ hậu kỳ thời đại đồ đá cũ có niên đại kéo dài từ 30.000-10.000 năm-niên đại hậu kỳ Cánh tân muộn, tương ứng với giai đoạn giữa của thời đại mông muội và hình thái tổ chức xã hội-chế độ thị tộc. Thị tộc là hình thức cộng đồng người đầu tiên trong lịch sử, bao gồm những người cùng huyết thống. Có thể xem thị tộc là gia đình lớn của người nguyên thủy. Tổ chức thị tộc dựa trên cơ sở quyền sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất. Các thành viên của thị tộc cùng lao động chung và hưởng thụ sản phẩm làm ra theo lối bình quân. Thị tộc có những đặc trưng như: tên gọi chung, tiếng nói chung, những phong tục tập quán và nghi lễ tôn giáo chung. Tính huyết thống theo dòng mẹ (thị tộc mẫu hệ) hoặc theo dòng cha (thị tộc phụ hệ). Đặc điểm nổi bật của thị tộc là ngoại hôn. Nhiều thị tộc hợp nhất thành bộ lạc. Thị tộc tan rã cùng với sự xuất hiện của xã hội có giai cấp.

Theo Lịch sử tỉnh Hải Dương

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những lớp người khai mở vùng đất Hải Dương