Lối sống đạm bạc của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi

09/09/2021 18:02

"Lưỡng quốc Trạng nguyên" Mạc Đĩnh Chi không chỉ nổi tiếng vì tài năng xuất chúng mà còn là vị Trạng nguyên có lối sống đạm bạc, thanh liêm.

Đền thờ Mạc Đĩnh Chi ở xã Nam Tân (Nam Sách)

Tướng mạo dị thường

Mạc Đĩnh Chi tự là Tiết Phu, người ở thôn Lũng Động, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, nay là thôn Long Động, xã Nam Tân (Nam Sách). Ông có dáng người thấp nhỏ, xấu xí nhưng lại thông minh hơn người. Vì văn hay chữ tốt nên được Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc nhận làm môn đồ, chu cấp tiền cho ăn học rồi thành tài giúp ích cho đời.

Vào tháng 3, năm Giáp Thìn (1304), vua Trần Anh Tông đã cho mở khoa thi Thái học sinh để tìm kiếm nhân tài trong cả nước. Kỳ thi đó có 44 người đỗ đạt. Mạc Đĩnh Chi đỗ Trạng nguyên, được sung làm Nội thư gia, Bảng nhãn Bùi Mộ, sung làm Nội lệnh thư gia, Thám hoa lang Trương Phóng, sung làm Nhị tư. Sau kỳ thi, để tôn vinh tài năng mới của đất nước, vua Trần Anh Tông đã cho dẫn 3 người đỗ đầu ra Long Môn của Phượng Thành đi du ngoạn đường phố 3 ngày.

Được vinh danh là vậy, nhưng Mạc Đĩnh Chi lại có hình dáng thấp bé, nên vua Trần Anh Tông thường hay chê ông xấu. Không tự ti về bản thân, Mạc Đĩnh Chi đã làm bài phú “Ngọc tĩnh liên” nghĩa là “Sen trong giếng Ngọc” để tự nói mình. Vua Trần Anh Tông xem xong, không ngớt lời khen là ông thiên tài.

Tài năng

Đảm nhận chức Nội thư gia, Mạc Đĩnh Chi phụng mệnh đi sứ sang Trung Quốc. Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 9, mặt khắc 2 có ghi: “Sai sứ sang nhà Nguyên. Vũ Tông nhà Nguyên mới lên ngôi vua, sai Thượng thư là An Lỗ Uy sang báo cáo. Nhà vua sai Mạc Đĩnh Chi sang chúc mừng”.

Vì có ngoại hình khác biệt nên vua tôi nhà Nguyên có ý xem thường. Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 6, mặt khắc 24, 25 có ghi lại cụ thể việc ông đối đáp với quan quân nhà Nguyên rằng: “Một hôm, quan Tể tướng và triều thần mời ông vào phủ cho cùng ngồi. Trong phủ có treo một bức tranh mỏng thêu con chim sẻ vàng đỗ cành trúc. Mạc Đĩnh Chi giả vờ nhận lầm con chim ấy là thật, vội nhảy tới chụp bắt. Cả triều thần nhà Nguyên cùng cười ồ cho ông là quê mùa. Ông liền kéo bức tranh xuống và xé nát. Mọi người lấy làm lạ, hỏi lý do. Ông trả lời: "Theo chỗ tôi biết, cố nhân chỉ vẽ tranh mai - tước, chớ chưa bao giờ vẽ tranh trúc - tước. Vì trúc là biểu tượng của mẫu người quân tử, chim sẻ là biểu tượng của bọn tiểu nhân. Nay bức tranh này lại thêu trúc - tước, tức là đã đem tiểu nhân đặt lên trên quân tử. Tôi sợ rằng làm như vậy rồi đạo của tiểu nhân sẽ mạnh, đạo của quân tử sẽ bị suy. Bởi vậy tôi xin thánh triều trừ khử đi”. Mọi người phải phục là một nhân vật tài năng hoạt biện.

Lại một hôm tiến triều vua Nguyên, đến khi vào chầu gặp người nước ngoài dâng quạt, vua Nguyên sai làm bài minh. Mạc Đĩnh Chi cầm bút viết xong ngay, hoàng đế nhà Nguyên xem xong rất khen ngợi. Nguyên văn chữ Hán được khắc trong Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư và sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, tạm dịch như sau:

“Chảy vàng tan đá, trời đất như lò, ngươi bấy giờ là Y Chu đại nho.

Gió bấc căm căm, mưa tuyết mịt mù, ngươi bây giờ là Di Tề đói xo

Ôi, được dùng thì làm, bỏ thì nằm co, chỉ ta cùng ngươi là thế ru”.

Từ đó, triều Nguyên càng thêm thán phục và Mạc Đĩnh Chi đã được xem là “Lưỡng quốc trạng nguyên”.

Mộc bản sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, quyển 4, mặt khắc 6 ghi về  thân thế, sự nghiệp của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi

Thanh liêm

Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi làm quan, trải qua 3 triều vua gồm: Trần Anh Tông, Trần Minh Tông và Trần Hiến Tông. Dù ở triều vua nào, ông cũng đều được vua tin dùng và hết sức hậu đãi, đặc biệt là dưới thời Trần Minh Tông. Ông là một người liêm khiết, có chính kiến, sống rất đạm bạc. Mộc bản sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, quyển 4, mặt khắc 7 ghi lại sự việc rằng: “Tới đời Trần Minh Tông, ông càng được nhà vua yêu quý và đãi ngôn hơn nữa. Ông làm quan liêm khiết và không hay a tòng. Thường có nếp sống bản thân rất đơn bạc. Vua Trần Minh Tông tìm hiểu được điều đó, ban đêm sai người đưa tiền đặt trước cửa nhà ông. Hôm sau, ông vào chầu, tâu lại vua việc đó. Nhân đó, vua cũng cho luôn. Thanh liêm và tiết tháo đời làm quan của ông để lại là như thế”.

Dưới thời vua Trần Hiến Tông, Mạc Đĩnh Chi được thăng đến chức Nhập nội hành khiển Hữu ty lang trung rồi thăng đến Tả ty lang trung. Tiếng thơm của ông để lại đến muôn đời và hậu duệ sau này cũng làm nên nghiệp lớn. Khâm phục trước tài năng xuất chúng của trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, vua Tự Đức đã có bài ngự rằng:

“Giếng ngọc dò sen tướng dị thường,

Sứ thần nức tướng chốn Bắc phương.

Bạc tiền chẳng chịu làm nô lệ

Của lạ dè đâu để cháu con”.

THƠM QUANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lối sống đạm bạc của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi