Bảng nhãn Ngô Hoán - bề tôi tiết nghĩa triều Lê

31/05/2021 07:39

Theo một số nguồn khảo luận, Ngô Hoán sinh ngày 28 tháng 3 năm Canh Thìn (1460) ở xã Thượng Đáp, huyện Thanh Lâm (nay thuộc xã Nam Hồng, Nam Sách).


Mặt chính từ vũ Thượng Đáp

Từ nhỏ ông vốn thông minh và hiếu học. Năm 31 tuổi, ông đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ (Bảng nhãn) khoa Canh Tuất niên hiệu Hồng Đức 21 (1490) đời vua Lê Thánh Tông. Năm Hồng Đức thứ 25 (1494), ông được triều đình cử giữ chức Hiệu thứ đông Các đại học sĩ. Năm Đoan Khánh thứ nhất (1505) đời vua Lê Uy Mục, ông được cử làm Hiến sát ở Thanh Hóa, sau thăng đến chức lễ bộ Thượng thư.

Theo tấm bia “Từ Vũ bi” tại đình làng Thượng Đáp do Viện nghiên cứu Hán Nôm dập dịch năm 2009 cùng sử sách ghi chép lại, ông là một trong những vị quan rất cương trực, sống giản dị, luôn quan tâm chăm lo cho nước, cho dân. Những lần trở về thăm quê, ông thường công đức tiền bạc, ruộng đất để cứu trợ những gia đình nghèo khó và sửa sang đền, miếu, xây dựng lại lăng mộ tổ tiên.  

Ngô Hoán không chỉ là một vị quan thanh liêm, chính trực mà ông còn là một nhà thơ lớn ở thế kỷ 15. Dưới triều vua Lê Thánh Tông, ông là một trong những thành viên của hội Tao Đàn “Nhị thập bát tú”. Ông đã để lại cho kho tàng văn học nước nhà 13 bài thơ trong “Toàn Việt thư lục”.

Tháng 8.1522, Mạc Đăng Dung lập Hoàng Đệ Xuân lên làm vua, đổi niên hiệu là Thống Nguyên. Trước nguy cơ chiếm đoạt ngôi vua của Mạc Đăng Dung, Ngô Hoán đã hộ giá vua Lê Chiêu Tông trốn  khỏi  kinh thành chờ khôi phục sự nghiệp. Sự nghiệp không thành, ông đã tuẫn tiết để giữ trọn chữ trung với nhà Lê. Ông có hai người con trai là Thuần Phu và Tính Phu đều đỗ hương cống nhưng cũng không chịu làm quan cho nhà Mạc và đều tử tiết theo cha.


Bàn thờ công thần Ngô Hoán tại gian hậu cung

Sau khi triều Lê được khôi phục, Ngô Hoán được truy phong là “trung công thần”, được tôn làm thành hoàng làng và được xếp vào hàng Thượng đẳng thần. Sau nhà Lê, Ngô Hoán được các đời vua triều Nguyễn ban sắc phong như năm Gia Long thứ 2 (1803), Thiệu Trị thứ 3 (1843), thứ 6 (1846), Tự Đức thứ 6 (1853), 33 (1880), Đồng Khánh thứ 2 (1887), Duy Tân thứ 3 (1909), 4 (1910), Khải Định 9 (1924). Tuy nhiên các sắc phong kể trên nay đã bị thất lạc.

Để ghi nhớ công của vị công thần, nhân dân Thượng Đáp đã lập đền thờ ông ở phía tây của làng vào năm Chính Hòa thứ 4 (1683) đời vua Lê Hy Tông. Di tích đã trải qua nhiều lần trùng tu vào các năm Tự Đức thứ 13 (1889), Bảo Đại thứ 4 (1929). Năm 2007 và năm 2018, di tích được tu bổ một số hạng mục nhưng vẫn giữ nguyên bản kiến trúc cổ. Hiện nay di tích có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung, phần mộc bằng gỗ tứ thiết, các vì kèo theo kiểu chồng giường giá chiêng. Các mảng chạm khắc trên các vì kèo, xà nách, bẩy hiên chủ yếu là lá hóa long và hoa sen cách điệu. Trong từ vũ còn có nhiều câu đối, đại tự, bia ký ca ngợi công lao của ông đối với quê hương, đất nước. Năm 1991, từ vũ Thượng Đáp được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia.

Hằng năm lễ hội từ vũ Thượng Đáp được tổ chức từ ngày 15-18 tháng giêng để tưởng nhớ công lao của vị công thần tiết nghĩa. Trong lễ hội tổ chức tế, rước kiệu thành hoàng và các các trò chơi, văn nghệ dân gian. Đây là một trong những lễ hội lớn của vùng đất Nam Sách, thu hút nhân dân và du khách thập phương tham dự.

NGỌC TÂM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảng nhãn Ngô Hoán - bề tôi tiết nghĩa triều Lê