Ngồi trước vách ngăn ở quán phở

20/07/2021 07:09

Tấm vách ngăn tưởng đơn giản nhưng lại có tác dụng rất lớn trong phòng chống dịch Covid-19.

Sáng thứ bảy 17.7, tôi đi ăn sáng ở quán phở trên phố Hàm Nghi (TP Hải Dương). Trong quán, mỗi bàn chỉ kê 2 ghế và 2 người ngồi đối diện nhau qua một vách ngăn mica. Các bàn kê xa nhau. Không có cảnh túm năm tụm ba hay chúc tụng ầm ĩ. Khi có khách hàng hỏi đồ nhậu thì chủ quán từ chối rất tế nhị rằng “không ngồi tập trung được thì gọi đồ nhậu làm gì”. Tôi quan sát thấy khách chỉ ăn phở. Thỉnh thoảng có người gọi một lon bia và lặng lẽ giơ lên mời nhau uống qua vách ngăn trong suốt.

Tấm vách ngăn tưởng đơn giản nhưng lại có tác dụng rất lớn trong phòng chống dịch Covid-19. Ban đầu các doanh nghiệp làm vách ngăn giữa các bộ phận sản xuất, trong nhà ăn; các siêu thị làm vách ngăn giữa nhân viên thu ngân và khách hàng… từ những đợt dịch trước. 

Nhiều người đã nghi ngờ về tính khả thi trong chỉ đạo của TP Hải Dương về yêu cầu các quán ăn sáng lắp đặt vách ngăn. Chỉ đạo của thành phố nêu rõ: Bắt buộc lắp đặt vách ngăn giãn cách giữa các khách hàng tại quán ăn sáng; thời gian thực hiện từ 0 giờ ngày 16.7. Như vậy quán ăn sáng mà tôi tới đã thực hiện ngay sau khi có chỉ đạo của thành phố. Trước đây, TP Hải Dương cũng nhiều lần đi trước trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Vách ngăn là vật cứng. Giãn cách là khái niệm mềm hơn. Thật khó có thể phân biệt cái mềm hơn đáng sợ hay một vật cứng đáng sợ. Trong thời buổi dịch Covid-19 đang hoành hành như hiện nay, con người buộc phải xa nhau để sinh sống an toàn hơn. Tôi vẫn nhớ câu chuyện từ đợt dịch thứ nhất. Có một quán phở gia truyền ở gần hồ Gươm (Hà Nội). Cái bếp trong quán phở này đã đỏ lửa trong gần một thế kỷ qua chưa hề tắt. Khách ta, khách Tây từ thời Pháp thuộc đến thời mở cửa ra vào tấp nập ở quán phở này. Nhưng cái bếp đã phải tàn lạnh vì quán buộc phải đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19. Khi đó Hà Nội giãn cách. Nói như thế để thấy dịch Covid-19 khủng khiếp thế nào.

Trong các đợt dịch thì bộ phận bị ảnh hưởng đầu tiên là những người lao động tự do, những người mưu sinh trên đường phố. Đừng coi thường một quán ăn sáng. Nó là nguồn thu nhập nuôi sống cả một gia đình. Quán đóng cửa cũng có nghĩa gia đình không còn thu nhập nào khác.

Người chủ quán đã không băn khoăn gì khi phải làm một tấm vách ngăn. Vì trước hết đó là điều kiện để quán được hoạt động. Nhưng sâu xa hơn từ sự tồn tại của những thứ đơn giản như vách ngăn trong các quán ăn sáng mà dịch bệnh có thể được kiểm soát. Xã hội an toàn hơn. Khi đó mọi người đều được hưởng lợi, người lao động có việc làm, doanh nghiệp có doanh thu, duy trì được sản xuất, Nhà nước thu được thuế nuôi sống bộ máy…

Xã hội rất cần những việc làm kiểu dựng một tấm vách ngăn như thế để Nhà nước không phải ra quyết định đóng rồi mở bằng những chỉ thị mà mới nghe thôi những người kinh doanh dù nhỏ hay lớn đã rụng rời chân tay. Cũng xin nói thêm Nhà nước không hề mong muốn áp dụng các biện pháp cô lập xã hội, chỉ là việc không đừng được, phải hy sinh lợi ích ngắn hạn để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Nhà nước cũng đã tốn rất nhiều kinh phí vào các gói hỗ trợ mà đích đến là những người như chủ quán phở kia.

Vách ngăn có thể chỉ là câu chuyện tạm thời cho đến khi nào chúng ta có đủ vaccine phòng bệnh hiệu quả. Nhưng cái khi nào ấy không phải là chuyện quan trọng với người bán phở bây giờ. Họ cần mưu sinh ngay ngày hôm nay.

NGUYỄN LƯU THANH XUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngồi trước vách ngăn ở quán phở